Trong quá trình tiêu hóa, túi mật sẽ co bóp để đưa mật vào ruột non qua đường mật, giúp hòa tan chất béo trong thức ăn. Các thành phần có trong dịch mật khi lắng đọng bất thường sẽ tạo thành sỏi mật. Điều đáng lo ngại là khi mới hình thành sỏi, đa số người bệnh không nhận thấy biểu hiện nào rõ rệt. Các biểu hiện này chỉ thể hiện rõ khi bệnh đã sang các giai đoạn nặng hơn, gây biến chứng.
Dấu hiệu bệnh sỏi mật giai đoạn đầu
Khi sỏi làm chặn lại dòng chảy của dịch mật, sẽ dẫn đến thiếu dịch mật đổ xuống tá tràng để tiêu hóa thức ăn. Lúc này, có thể nhận thấy một số triệu chứng ban đầu, dễ nhầm với các vấn đề khác như: đầy trướng, chậm tiêu, chán ăn, buồn nôn,…Các triệu chứng này dễ gặp hơn sau những bữa ăn giàu chất béo.
Đây đều là những biểu hiện rối loạn tiêu hóa tương đối thường gặp, nên hầu hết mọi người không nghĩ tới việc đã mắc bệnh sỏi mật. Chỉ đến khi phát triển những triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau quặn bụng, sốt, vàng da… bệnh mới được phát hiện và chẩn đoán.
Đau quặn bụng – biểu hiện điển hình khi bệnh đã nặng hơn
Triệu chứng phổ biến nhất của sỏi mật là các cơn đau bụng đột ngột dữ dội, thường bắt đầu ở vùng hạ sườn phải, sau đó lan lên xương ức và tới bả vai. Cơn đau có thể kéo dài nhiều giờ nhưng đôi khi chỉ xảy ra trong vòng vài phút.
Cảm giác đau có thể đến bất cứ lúc nào trong ngày và đánh thức người bệnh vào ban đêm. Tuy nhiên cơn đau dễ gặp nhất thường sau khi người bệnh ăn nhiều chất béo. Cơn đau không giảm dù bệnh nhân đã nghỉ ngơi. Sự xuất hiện cơn đau rất khác nhau, có thể vài ngày, vài tuần thậm chí vài tháng mới xuất hiện một lần.
Sốt nhẹ hoặc sốt cao đột ngột
Hiện tượng sốt xảy ra khi cơ thể bệnh nhân phản ứng lại với tình trạng viêm do biến chứng của sỏi mật. Người bệnh có thể bị sốt nhẹ không rõ nguyên nhân hoặc sốt cao đột ngột, kèm theo run lạnh, sau đó vã mồ hôi.
Vàng da do ứ trệ dịch mật
Sắc tố mật có màu vàng hay còn gọi là chất bilirubin là một trong những thành phần chính có trong dịch mật. Chất này sẽ được loại bỏ ra khỏi máu qua gan, sau đó sẽ được tiết vào dịch mật. Sự ứ trệ dịch mật kéo dài khiến cho nồng độ bilirubin trong máu tăng cao, khiến cho da người bệnh ngả sang màu vàng.
The post Đâu là dấu hiệu bệnh sỏi mật? appeared first on Khoa Ngoại Thu Cúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét