Vỡ xương quai xanh hay gãy xương đòn là một chấn thương khá phổ biến trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Chấn thương này gặp nhiều trong thể thao, hoặc khi bị té ngã do tai nạn. Tuy vậy nhiều người còn chưa biết, vỡ xương quai xanh có nguy hiểm cho sức khỏe hay không. Cùng tìm hiểu điều này qua bài viết dưới đây.
Vỡ xương quai xanh có nguy hiểm?
Chấn thương vỡ xương quai xanh hay còn gọi là xương đòn rất dễ xảy ra. Do đây là phần xương dễ thấy, nằm sát với da vùng vai và khá thanh mảnh. Loại xương này lại có vai trò như chiếc đòn gánh nâng đỡ trọng lượng của toàn bộ cánh tay. Do đó, việc xương bị vỡ khá nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.
Vị trí thường gặp nhất là gãy 1/3 phần xương ở giữa do ảnh hưởng trực tiếp và do lực gián tiếp truyền từ cánh tay lên xương đòn sau khi ngã chống tay. Gãy xương quai xanh thường gặp nhiều trong tai nạn lao động, tai nạn giao thông.
Biến chứng nếu xương quai xanh bị vỡ mà không được điều trị sớm bao gồm:
-Di lệch xương sau khi lành gây cong vẹo, dị tật và mất thẩm mỹ.
-Vị trí chấn thương có thể viêm nhiễm, khó lành, gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.
-Sưng, bầm tím tại vùng bị chấn thương. Đau nhức âm ỉ vùng khớp ức đòn hoặc có cảm giác đau sâu bên trong lan lên vùng cổ hoặc dọc theo xương đòn ra phía ngoài vai.
-Có thể biến dạng xương và mất vận động nâng cánh tay.
-Trường hợp gãy xương hở dễ gây biến chứng, khó lành hơn nếu không điều trị kịp thời.
Vỡ xương quai xanh điều trị bằng cách nào?
Tình trạng vỡ xương quai xanh có thể được điều trị bằng phẫu thuật hoặc không phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp nào sẽ căn cứ vào mức độ tổn thương cụ thể.
-Điều trị không phẫu thuật: Cách chữa này thường chỉ định cho các bệnh nhân vỡ xương không di lệch. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh áp dụng các phương pháp: đeo đai xương đòn (đai số 8), uống thuốc giảm đau kết hợp vật lý trị liệu.
-Điều trị bằng phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật ngoại khoa chỉ định cho các trường hợp vỡ xương quai xanh có di lệch. Phẫu thuật sử dụng nẹp vít hoặc đinh, giúp nắn chỉnh xương gãy ngay ngắn và cố định xương gãy ở vị trí tốt nhất trong khi chờ xương lành. Phẫu thuật xong, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, không vận động sớm. Việc vận động khi tổn thương chưa lành dễ gây gãy nẹp hoặc di lệch xương, phải phẫu thuật lại.
Người bệnh cần tái khám theo lịch để kiểm tra mức độ hồi phục. Nếu có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ điều trị. Chế độ ăn uống cần đầy đủ dinh dưỡng, nhất là những thực phẩm tốt cho phục hồi xương khớp. Tập vận động phục hồi chức năng đúng cách theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
The post Vỡ xương quai xanh có nguy hiểm? appeared first on Khoa Ngoại Thu Cúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét