Sỏi niệu quản là bệnh lý phổ biến hiện nay với nhiều tác hại tới sức khỏe người bệnh. Các biến chứng của sỏi niệu quản sẽ dễ xảy ra nếu bệnh không được điều trị kịp thời. Vậy sỏi niệu quản có thể gây ra biến chứng gì? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
Biến chứng của sỏi niệu quản gồm những gì?
Sỏi niệu quản là bệnh của đường tiết niệu (đường tiểu) gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn cả là người trưởng thành. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Nếu không được điều trị, sỏi niệu quản có khả năng biến chứng cao. Các biến chứng này bao gồm:
– Viêm thận và bể thận: Do sỏi ngăn cản nước tiểu từ thận xuống bàng quang nên làm ứ nước tiểu ở thận.
– Suy thận:Trường hợp không được phát hiện và xử trí kịp thời, viêm thận có thể dẫn đến suy thận. Suy thận sẽ hạn chế rất lớn đến chức năng của các cơ quan khác. Các vấn đề có thể xảy ra là tăng ure huyết, tăng huyết áp, suy tim,…
– Nếu sỏi xuống bàng quang sẽ gây sỏi bàng quang.
– Nguy hiểm đến tính mạng: Sỏi có thể làm bít tắc cổ bàng quang gây bí đái, nhiễm trùng bàng quang. Từ đó gây viêm ngược dòng lên thận làm thận bị nhiễm trùng, ứ nước và dịch mủ, hậu quả cuối cùng là suy thận. Viêm bàng quang ngược dòng có thể gây nhiễm trùng huyết, nếu gặp phải vi khuẩn độc lực mạnh, kháng nhiều loại kháng sinh như tụ cầu vàng (S. Aureus) hoặc trực khuẩn mũ xanh (P. Aeruginosa) hoặc trực khuẩn E.coli thì rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Điều trị sỏi niệu quản thế nào?
Khi có những bất thường về đường tiết niệu, hay đau thắt lưng, mọi người nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân. Nếu bị sỏi niệu quản cần điều trị kịp thời theo chỉ định của bác sĩ. Với sỏi nhỏ khoảng từ 3 – 4 mm có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc làm tan sỏi, thuốc lợi tiểu) và theo dõi từ 1 – 2 tuần.
Với các sỏi lớn và đã gây giãn đài, bể thận, niệu quản, có thể áp dụng nhiều phương pháp điều trị ngoại khoa như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser hoặc xung hơi, mổ lấy sỏi…Phương pháp nào phù hợp sẽ do bác sĩ điều trị xem xét dựa trên kết quả thăm khám, sau đó tư vấn để người bệnh lựa chọn.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để phòng bệnh, mỗi người cần uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1,5 – 2 lít) bao gồm cả nước canh trong bữa ăn. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng, cơ thể càng cần được bù nước đầy đủ vì mất nhiều mồ hôi.
Mỗi người cũng nên vận động cơ thể bằng cách tập thể dục thông thường hoặc chơi thể thao để tránh tình trạng bị ứ đọng nước tiểu. Nếu đã bị sỏi niệu quản, người bệnh cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý thực hiện việc tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu bất thường.
The post Biến chứng của sỏi niệu quản appeared first on Khoa Ngoại Thu Cúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét