Vậy sỏi tiết niệu là gì?
Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, niệu quản, bàng quang, thậm chí có sỏi niệu đạo. Đây là tình trạng hình thành các viên cứng như sỏi trong đường tiết niệu. Sỏi đường tiết niệu là một bệnh thường gặp ở người trưởng thành, nhưng với người cao tuổi, bệnh dễ dẫn đến nhiều biến chứng hơn, thậm chí biến chứng nguy hiểm.
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu
Sự xuất hiện của sỏi tiết niệu là do kết quả của sự kết tủa một số chất chứa trong nước tiểu, kết hợp với sự lắng đọng, tồn dư nước tiểu. Sỏi xuất hiện nhiều nhất ở người cao tuổi bởi lúc này chức năng của thận, bàng quang suy yếu dần. Có nhiều yếu tố gây sỏi tiết niệu, bao gồm:
-Việc dùng một số thuốc liều cao, dài ngày: lạm dụng các thuốc như thuốc canxi hay vitamin C trong điều trị và phòng bệnh loãng xương. Ở người cao tuổi, khả năng hấp thu canxi kém nhưng bài tiết canxi lại gia tăng. Do đó nếu lạm dụng thuốc hoặc sử dụng sai chỉ định của bác sĩ sẽ làm cho lượng canxi dư thừa tăng lên và liên tục đào thải qua thận, gây lắng đọng và hình thành sỏi ở thận. Một số người lạm dụng dùng quá nhiều và dài ngày vitamin C rất dễ dẫn đến sỏi tiết niệu. Sản phẩm chuyển hóa trung gian của vitamin C là axít oxalic được đào thải qua thận. Nếu sử dụng liên tục vitamin C liều cao có thể gây nên sỏi canxi oxalat.
-Uống ít nước, chế độ ăn quá nhiều canxi: Nhiều người thường xuyên uống ít nước, và có chế độ ăn quá nhiều thực phẩm chứa canxi (tôm, cua, phủ tạng động vật…) nên dễ bị sỏi tiết niệu hơn. Đặc biệt cảm giác khát nước ngày càng giảm ở người già, đặc biệt do ít vận động nên độ tuổi này càng ít uống nước. Khả năng vị giác ở họ cũng ngày một giảm sút, dạ dày lúc nào cũng có cảm giác no nên không cảm thấy khát nước, khiến sỏi tiết niệu dễ xuất hiện hơn.
-Nhiễm trùng đường tiểu: Đặc biệt tình trạng nhiễm trùng mạn tính rất dễ gây ra sỏi tiết niệu. Nhiễm trùng làm cho tổ chức thận bị tổn thương, niêm mạc bàng quang, niệu quản, niệu đạo bị viêm rất dễ gây lắng đọng canxi, oxalate tạo nên sỏi. Đây là vòng luẩn quẩn, nhiễm trùng đường tiểu gây sỏi tiết niệu, và sỏi tiết niệu rất dễ gây nhiễm trùng tiết niệu.
-Do tác động của một số bệnh lý: Chẳng hạn bệnh tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến (ở nam giới), dị dạng đường tiểu, u đường tiết niệu, bệnh tiểu khung (ở phụ nữ) sẽ gây ra hiện tượng lắng đọng nước tiểu do chèn ép. Từ đó sỏi tiết niệu dễ hình thành.
-Ít vận động hoặc khó vận động: Điều này khiến việc tiểu tiện gặp khó khăn, dễ gây ứ đọng nước tiểu ở bàng quang. Đây cũng là nguyên nhân gây sỏi tiết niệu, nhất là sỏi bàng quang, từ đó viêm ngược dòng, gây sỏi thận.
Biến chứng từ sỏi tiết niệu là gì?
Sỏi tiết niệu nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm có thể gây ra một số biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm, nhất là ở người già, người có sức khỏe kém. Mức độ bệnh nặng sẽ dễ gây biến chứng hơn, đó là khi sỏi có số lượng nhiều, kích thước sỏi lớn, hoặc sỏi nằm ở các vị trí nguy hiểm. Các biến chứng của sỏi tiết niệu khá phức tạp, bao gồm:
-Biến chứng mức độ nhẹ: đau thắt lưng, rối loạn tiểu tiện (đái rắt, són, buốt)
-Biến chứng nặng hơn: sỏi từ thận rơi xuống niệu quản, tạo thành sỏi niệu quản. Người bệnh sẽ gặp phải cơn đau dữ dội, đột ngột, cấp tính gọi là cơn đau quặn thận, nhiều trường hợp phải cấp cứu. Sỏi từ thận rơi xuống niệu quản còn làm tổn thương niệu quản gây chảy máu hoặc bị nhiễm trùng ngược dòng gây viêm thận ứ mủ. Tại niệu quản, sỏi có thể làm ứ đọng nước tiểu gây giãn niệu quản, dãn đài, bể thận, hậu quả là thận bị tổn thương, nặng hơn là suy thận.
-Sỏi rơi xuống bàng quang gây nên sỏi bàng quang: Sỏi bàng quang lớn dần do bồi đắp thêm từ sự lắng đọng các chất cặn, trong đó có canxi, oxalate gây viêm bàng quang và viêm ngược dòng lên thận.
-Sỏi từ bàng quang đi ra ngoài qua niệu đạo: Nếu sỏi có kích thước lớn, gồ ghề sẽ bị mắc kẹt ở niệu đạo. Lúc này người bệnh không thể đi tiểu được, cảm giác vô cùng khó chịu, đau đớn, phải đi cấp cứu.
Điều trị sỏi tiết niệu bằng cách nào?
Nếu nhận thấy các triệu chứng nghi vấn có sỏi tiết niệu, người bệnh cần đến bệnh viện có chuyên khoa thân tiết niệu thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác. Các biện pháp điều trị bệnh sỏi tiết niệu bao gồm:
-Điều trị nội khoa:
Sau khi có kết quả chẩn đoán cho thấy mức độ bệnh còn nhẹ, sỏi còn nhỏ và chưa nhiều, có thể điều trị nội khoa được, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng các loại thuốc phù hợp. Điều trị nội khoa áp dụng cho những trường hợp sỏi có kích thước <5mm và không có biến chứng gây giãn hệ tiết niệu. Kết hợp với dùng thuốc là việc uống nhiều nước và sử dụng các loại nước lợi tiểu (như nước râu ngô). Một số trường hợp có thể dùng thuốc gây tan sỏi thường gặp với thành phần hóa học là urat hoặc cystine.
-Điều trị ngoại khoa:
Khi việc điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả như mong đợi, sỏi đã lớn và nhiều hơn, bệnh nhân sẽ được can thiệp bằng ngoại khoa. Can thiệp ngoại khoa có nhiều phương pháp khác nhau, được lựa chọn tùy theo sức khỏe và độ tuổi của người bệnh. Đó là các phương pháp: phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi niệu quản, nội soi thận tán sỏi qua da.
Đặc biệt, nội soi tán sỏi thận qua da hiện nay được đánh giá là phương pháp kỹ thuật cao, ít xâm hại. Đây là ví dụ điển hình của cách mạng về kỹ thuật cao trong điều trị bệnh sỏi thận niệu quản kích thước lớn. Nội soi thận qua da có thể thay thế hoàn toàn cho mổ mở với tất cả những sỏi có kích thước lớn hơn 25mm, đặc biệt là sỏi “san hô”.
The post Sỏi tiết niệu là gì? appeared first on Khoa Ngoại Thu Cúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét