Thế nào là phì đại tiền liệt tuyến?
Phì đại tiền liệt tuyến lành tính xảy ra khi tuyến tiền liệt của một người đàn ông trở nên quá lớn so với bình thường. Đây là bệnh lý phổ biến với nam giới, đặc biệt là nam giới ở độ tuổi trung niên và cao niên.
Tiền liệt tuyến có hai thời kỳ tăng trưởng chính. Giai đoạn đầu tiên xảy ra ở tuổi dậy thì, còn giai đoạn thứ hai bắt đầu vào khoảng tuổi 25. Phì đại tiền liệt tuyến lành tính thường xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng thứ hai.
Triệu chứng của bệnh phì đại tiền liệt tuyến
-Tiểu khó: Phải cố rặn, dòng nước tiểu yếu đi, không tiểu xa được. Đôi khi đã tiểu xong lại vẫn còn vài giọt nước tiểu rỉ ra. Nặng hơn là tình trạng thường xuyên rỉ nước tiểu
– Tiểu nhiều lần: Tiểu đêm > 3 lần và kéo dài liên tuc >3 tháng được coi là dấu hiệu bệnh lý.
– Bí tiểu: Đôi khi phải đến bệnh viện cấp cứu do bí tiểu đột ngột, bệnh nhân đã cố gắng rặn mà không thể tiểu được. Phần bụng dưới căng lên rất đau tức, vật vã khó chịu.
– Bất ổn đường tiểu khác: Đột nhiên buồn đi tiểu xong không thể nhịn được trong vài phút; tiếu xong không thấy thoải mái mà vẫn còn cảm giác còn muốn tiểu; cũng có thể có biểu hiện đái máu, nhiễm trùng nước tiểu.
Tuy nhiên do các biểu hiện của phì đại lành tính tuyến tiền liệt trên thường tiến triển từ từ nên bệnh nhân có thể quen dần và khó nhận ra.
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến phì đại tuyến tiền liệt lành tính như:
-Tuổi tác. Nam giới dưới 40 tuổi hiếm khi gặp phải các triệu chứng do phì đại tuyến tiền liệt, trong khi khoảng 1/3 nam giới trên 60 tuổi mắc các triệu chứng nặng của bệnh. Tỷ lệ này lên tới 50 phần trăm đối với nam giới trên 80 tuổi.
-Tiền sử bệnh của gia đình. Nếu một trong những người thân của bạn mắc bệnh này, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ khá cao.
-Chủng tộc. Người da trắng và da đen có nguy cơ bị phì đại tuyến tiền liệt cao hơn so với các chủng tộc còn lại trên thế giới. Đàn ông da đen có thể gặp các triệu chứng của bệnh sớm hơn so với người da trắng.
-Tình trạng sức khỏe. Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên khi bạn đang mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim, bệnh mạch máu hoặc đang sử dụng các thuốc chẹn beta (thuốc dùng để điều trị cao huyết áp và nhịp tim nhanh).
-Rối loạn chức năng cương dương. Đây là tình trạng dương vật không thể giữ được sự cương cứng, còn được gọi là chứng bất lực nam giới. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ phì đại tiền liệt tuyến.
-Lối sống. Tình trạng thừa cân, béo phì hoặc ít vận động dễ làm tăng nguy cơ phì đại tiền liệt tuyến.
Nguyên nhân gây bệnh phì đại tiền liệt tuyến
Mặc dù y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh này, song những yếu tố sau đây được xác định là có liên quan và dẫn tới phì đại tiền liệt tuyến:
-Tuổi tác: Khi người đàn ông bắt đầu già đi, nguy cơ bị phì đại tuyến tiền liệt sẽ tăng lên.
-Mất cân bằng hormone và hạn chế tăng trưởng tế bào: Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh những thay đổi trong sự cân bằng hormone và sự tăng trưởng tế bào có thể là yếu tố góp phần gây ệnh.
-Các bệnh di truyền: Đối tượng nam giới dưới 60 tuổi bị phì đại tiền liệt tuyến do di truyền thường có triệu chứng nặng và cần phải được phẫu thuật để điều trị.
Biến chứng nào có thể xảy ra do phì đại tiền liệt tuyến?
Nhiều bệnh nhân đến khám muộn khi khối u xơ đã quá to và có các biến chứng về bàng quang, suy thận,… khiến cho việc điều trị trở nên hết sức phức tạp vì không mổ nội soi được nữa.
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt không dẫn đến ung thư song có thể phối hợp với ung thư tiền liệt tuyến. Mặt khác, ở giai đoạn đầu 2 bệnh này có thể biểu hiện tương đối giống nhau.
Cách chẩn đoán bệnh phì đại tiền liệt tuyến
Bên cạnh việc chẩn đoán bằng cách xem xét các triệu chứng cũng như khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các phương pháp khám và xét nghiệm như:
Khám hậu môn trực tràng. Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay vào trực tràng để ước lượng kích thước của tuyến tiền liệt;
Xét nghiệm nước tiểu. Bác sĩ sẽ phân tích nước tiểu để kiểm tra xem có nhiễm trùng không;
Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp xác định có vấn đề gì xảy ra với thận hay không;
Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). PSA là một chất được sản xuất bởi tuyến tiền liệt. Nếu nồng độ PSA trong máu tăng cao sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tuyến tiền liệt bị phì đại;
Khám thần kinh. Biện pháp này giúp kiểm tra các chức năng của não bộ và hệ thần kinh. Từ đó xác định nguyên nhân gây bệnh ở đường tiết niệu, tuyến tiền liệt có phải xuất phát từ các vấn đề thần kinh hay không.
Soi bàng quang. Bác sĩ sẽ dùng một ống soi có camera ở đầu và đưa vào đường tiểu. Phương pháp này giúp các bác sĩ quan sát bên trong niệu đạo và bàng quang;
Sinh thiết. Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô của tuyến tiền liệt để tìm xem có tế bào ung thư trong đó không;
Kiểm tra niệu động học. Một số xét nghiệm để xem xét khả năng lưu trữ và thải nước tiểu của niệu đạo và bàng quang;
Siêu âm qua trực tràng. Siêu âm cho phép quan sát rõ tuyến tiền liệt, bàng quang, phát hiện được các bất thường khác trên đường niệu.
Phương pháp điều trị phì đại tiền liệt tuyến
Nam giới khi bắt đầu bước vào tuổi 50 trở đi cần hết sức chú ý theo dõi và phát hiện dấu hiệu bệnh phì đại tiền liệt tuyến. Khi có những biểu hiện khác thường về tiểu tiện như nêu trên, nam giới cần đi khám chuyên khoa tiết niệu tại bệnh viện kịp thời.
Phát hiện bệnh sớm giúp cho việc điều trị đơn giản, kết quả cao, tránh được các biến chứng đáng tiếc xảy ra. Hơn thế nữa, việc đến khám kịp thời giúp cho các thầy thuốc có thể phát hiện ra ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn sớm (bằng siêu âm, xét nghiệm PSA, sinh thiết) và hoàn toàn có thể chế ngự được căn bệnh ác tính này.
Phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả hiện nay cho bệnh phì đại tiền liệt tuyến là phẫu thuật nội soi cắt tiền liệt tuyến. Phương pháp này được thực hiện sau khi bệnh nhân được gây tê tủy sống. Bác sỹ phẫu thuật sẽ đưa dụng cụ nội soi vào tuyến tiền liệt qua niệu đạo để cắt khối u xơ thành những mảnh nhỏ và cầm máu bằng dao điện, sau đó hút chúng ra ngoài qua ống nội soi. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 60 phút. Bệnh nhân nằm viện từ 3 – 5 ngày.
Trong 3 ngày đầu sau mổ, bệnh nhân được rửa bàng quang liên tục qua ống thông niệu đạo bàng quang. Ống thông niệu đạo được rút ra sau 3 đến 4 ngày. Bệnh nhân sẽ ra viện sau khi bác sỹ kiểm tra những lần tiểu tiện đầu tiên cho thấy sự ổn định. Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tái khám sau 3 – 4 tuần. Trong khoảng thời gian 3 – 4 tuần sau mổ, bệnh nhân cần uống 2-3 lít nước mỗi ngày để làm sạch bàng quang.
The post Triệu chứng, nguyên nhân phì đại tiền liệt tuyến appeared first on Khoa Ngoại Thu Cúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét