Nguyên nhân sỏi mật là gì?
Sỏi mật được hình thành do sự mất cân bằng các thành phần có trong dịch mật, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là sự mất cân bằng do sản xuất, vận chuyển dịch mật trong gan – nơi tiết ra dịch mật, ứ trệ dịch mật kéo dài, viêm đường mật và nhiễm khuẩn dịch mật. Ngoài ra, yếu tố cơ địa cũng là một trong những nguyên nhân gây sỏi mật rất khó tác động. Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật bao gồm:
– Chức năng gan suy giảm (gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, tăng men gan…) làm giảm chất chất lượng dịch mật
– Thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu.
– Chế độ ăn uống ít calo, nhiều chất béo bão hòa, ít chất xơ và rau xanh.
– Lối sống ít vận động khiến dịch mật bị ứ trệ tạo điều kiện thuận lợi cho cholesterol kết tủa.
– Sử dụng thuốc tránh thai dài ngày, làm tăng hormon estrogen từ đó làm tăng đào thải cholesterol trong mật.
– Sử dụng thuốc hạ cholesterol (hạ mỡ máu) làm tăng đào thải cholesterol trong dịch mật.
Biểu hiện của người mắc bệnh sỏi mật
Đa số các trường hợp sỏi mật ban đầu không có triệu chứng, đặc biệt là sỏi túi mật. Một số người có thể thấy xuất hiện các dấu hiệu mơ hồ như chán ăn, sợ mùi dầu mỡ hoặc đắng miệng, khô họng, buồn nôn, đầy trướng, chậm tiêu sau mỗi bữa ăn. 20% còn lại có triệu chứng khi đã bị biến chứng, với các dấu hiệu:
– Đau bụng: Cơn đau do sỏi mật thường bắt đầu xuất hiện sau khi dùng các bữa ăn có nhiều dầu mỡ, hoặc vào ban đêm khi đang ngủ, khiến người bệnh bị gián đoạn giấc ngủ. Vị trí đau ban đầu có thể hạ sườn phải, sau đó lan ra bả vai phải và ra sau lưng. Cơn đau thường diễn ra âm ỉ nhưng cũng có thể rất dữ dội, kéo dài vài giờ cho đến vài ngày.
– Sốt: Tình trạng đau do sỏi mật thường kèm theo sốt do viêm đường mật, túi mật. Sốt có thể xảy ra trước, hoặc sau cơn đau, kéo dài vài giờ, có khi vài tuần, hàng tháng.
– Vàng da: Hiện tượng vàng da, vàng mắt xảy ra sau khi người bệnh bắt đầu thấy đau và sốt kéo dài 1 – 2 ngày.
Sỏi mật gây ra những biến chứng nào?
– Sỏi có thể gây tắc nghẽn dịch mật thành từng đợt, nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường mật, túi mật (90% bệnh nhân bị sỏi đường mật nhập viện là do viêm đường mật, túi mật) cấp hoặc mạn tính, viêm tụy cấp, nặng hơn nữa là sốc do nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết… Nếu không xử lý cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, thậm chí có thể gây tử vong.
– Sỏi gan có thể gây ứ mật trong gan, gây áp xe gan, xơ gan và cuối cùng dẫn đến suy gan làm giảm khả năng chuyển hóa trong cơ thể.
Phương pháp điều trị sỏi mật
Không có phương pháp điều trị chung cho tất cả các loại sỏi. Do vậy, các bác sỹ sẽ căn cứ trên từng trường hợp cụ thể để có các chỉ định khác nhau:
– Điều trị bằng phương pháp nội khoa: Người bệnh được cho sử dụng thuốc làm tan sỏi. Thành phần chủ yếu của các thuốc này là acid mật, giúp làm tan dần viên sỏi. Mặc dù vậy, tác dụng của thuốc chỉ phù hợp với loại sỏi cholestel có kích thước nhỏ hơn 1.5cm và chưa bị canxi hóa. Thời gian điều trị kéo dài và thường bị gián đoạn bởi tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.
-Áp dụng các phương pháp hiện đại không tạo vết mổ như: Tán sỏi mật qua da, Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, Nội soi mật tụy ngược dòng gắp sỏi. Các phương pháp này thường mang lại hiệu quả điều trị cao, phù hợp với sỏi túi mật và sỏi đường mật.
– Điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa: Áp dụng trong những trường hợp sỏi gây biến chứng nghiêm trọng hoặc sỏi lớn, không thể sử dụng thuốc. Có hai loại phẫu thuật là mổ mở và mổ nội soi. Trong đó, phẫu thuật nội soi phổ biến và được lựa chọn nhiều hơn hiện nay do những ưu điểm rõ rệt của nó. Mổ nội soi xâm lấn tối thiểu, thời gian tiến hành nhanh chóng và ít biến chứng hơn so với phương pháp mổ mở. Mặc dù vậy, có những người bệnh cần phải mổ mở bởi không thể áp dụng mổ nội soi, do các viên sỏi nằm ở vị trí ngóc ngách góc khuất, hoặc những người không đáp ứng được mổ nội soi vì hạn chế về sức khỏe, khả năng kinh tế.
Phòng tránh, hỗ trợ điều trị và hạn chế tái phát sỏi mật bằng cách nào?
Việc ăn uống, sinh hoạt, vận động có ảnh hưởng khá nhiều tới sự hình thành sỏi cũng như giúp hỗ trợ loại bỏ sỏi mật. Do đó, người có nguy cơ cao mắc bệnh cũng như người đang điều trị sỏi mật cần chú ý thực hiện những điều sau:
-Ăn nhiều rau của quả tươi mỗi ngày, hạn chế nạp vào cơ thể các thực phẩm nhiều mỡ, nhiều cholesterol. Chú ý đảm bảo giữ vệ sinh trong ăn uống như giữ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn các đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn đường phố.
-Chế độ sinh hoạt: Ăn ngủ đúng giờ giấc, nhớ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện tẩy giun 6 tháng/lần; nhất là với trẻ em. Rèn luyện thân thể đều đặn hàng ngày, vận động thường xuyên và vừa sức. Không lạm dụng một số thuốc có liên quan đến sỏi mật như thuốc nội tiết, thuốc hạ mỡ máu…Người có nguy cơ mắc bệnh cao nói riêng và mọi người nói chung cần chú ý phát hiện những biểu hiện nghi vấn mắc bệnh. Nếu có bất ổn cần sớm thăm khám tại bệnh viện có chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm do sỏi mật.
-Người đã mắc bệnh cần chú ý tái khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõivà kiểm soát hiệu quả tình trạng bệnh.
The post Nguyên nhân sỏi mật bạn nên biết appeared first on Khoa Ngoại Thu Cúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét