Sỏi túi mật là gì và khi nào sỏi túi mật hình thành?
Sỏi túi mật được chia làm 2 loại chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố.
- Sỏi cholesterol được tạo ra chủ yếu từ thành phần cholesterol có trong dịch mật. Loại sỏi này thường gặp ở các nước phương Tây, chiếm 80-85%. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỉ lệ sỏi cholesterol chỉ chiếm 30-50% các trường hợp. Loại sỏi này thường gặp ở người béo phì, phụ nữ gặp nhiều gấp hai nam giới, dùng chế độ ăn của người phương Tây, dùng thuốc tránh thai estrogen.
- Sỏi sắc tố thường do nguyên nhân nhiễm khuẩn đường mật, các bệnh gây tán huyết, xơ gan, viêm hoặc đã cắt đoạn hồi tràng (phần cuối của ruột non).
Cắt bỏ sỏi túi mật khi nào cần thiết?
Tất cả các trường hợp có sỏi trong túi mật và gây ra các triệu chứng đều có chỉ định điều trị bằng phẫu thuật cắt túi mật, dù cho sỏi có kích thước và số lượng thế nào. Đặc biệt các trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm… đều cần được mổ cắt túi mật mới có thể điều trị được.
Dấu hiệu và cách chẩn đoán bệnh sỏi túi mật
Triệu chứng phổ biến nhất của sỏi túi mật là cơn đau quặn mật, với các đặc điểm:
-Cơn đau thường kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
-Đau xảy ra ở thượng vị hoặc vùng bụng trên phải, với các trường hợp đau nhiều nhất ở vùng thượng vị, khiến dễ lầm với bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
-Người bệnh thường bị đau nhiều và liên tục, cơn đau có thể khiến cho họ ngưng thở.
-Đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm, làm cho bệnh nhân dễ mất giấc ngủ.
Ngoài ra, sỏi túi mật còn gây ra các biểu hiện khác bao gồm đau lưng, đau bụng trên trái, buồn nôn và nôn, đầy bụng (khó tiêu với thức ăn mỡ).
Trước khi có chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, người bệnh sẽ được thực hiện các phương pháp chẩn đoán bệnh bao gồm:
-Siêu âm bụng: Hiện nay siêu âm bụng được xem là phương tiện đầu tay để chẩn đoán sỏi túi mật, khả năng chẩn đoán đúng sỏi túi mật của siêu âm là 90-95%.
-Chụp CT và cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng trong việc chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ sỏi mật mà siêu âm không thể khẳng định được.
Sỏi túi mật gây biến chứng gì nếu không được phẫu thuật để điều trị?
Có một số trường hợp vốn không có triệu chứng nhưng sau đó tiến triển thành sỏi túi mật có triệu chứng. Bên cạnh đó, cũng có một số bệnh nhân bị phát triển bệnh từ sỏi túi mật không triệu chứng đến giai đoạn biến chứng mà không trải qua giai đoạn có triệu chứng. Điều này rất đáng lo ngại và đòi hỏi cần được kiểm tra theo dõi thường xuyên.
Nếu bệnh sỏi túi mật cần phải phẫu thuật mà không được điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng:
-Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt ở cổ hoặc ống túi mật cần phải điều trị phẫu thuật cấp cứu.
-Viêm đường mật do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật dẫn đến viêm đường mật. Đây là biến chứng nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi cấp cứu.
-Viêm tụy cấp do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ và kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ làm tắc nghẽn cả ống mật và ống tụy. Đây là biến chứng rất nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi kịp thời.
-Ung thư túi mật liên quan với sỏi túi mật to (trên 25 mm), sỏi kèm với polyp túi mật, túi mật sứ. Bệnh diễn tiến âm thầm, thường chẩn đoán trễ.
Điều trị sỏi túi mật cách nào hiệu quả?
Thông thường có hai cách điều trị ngoại khoa đối với căn bệnh này, đó là mổ mở và mổ nội soi cắt bỏ sỏi túi mật. Trong đó, mổ nội soi cắt túi mật là phương pháp ưu việt hiện nay, với nhiều lợi ích nổi bật như:
-Ít xâm lấn do chỉ can thiệp tối thiểu. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ chỉ tạo một vài vết rạch rất nhỏ để đưa các dụng cụ chuyên dụng vào và tiến hành cắt bỏ túi mật chứa sỏi.
-Thời gian mổ và thời gian người bệnh lưu viện ngắn.
-Bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe.
-Đảm bảo tính thẩm mỹ do không để lại sẹo xấu, sẹo to.
-Hạn chế tối đa tái phát sỏi.
The post Cắt bỏ sỏi túi mật khi nào cần thiết? appeared first on Khoa Ngoại Thu Cúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét