Phì đại tiền liệt tuyến là gì?
Đây là tình trạng tuyến tiền liệt trong cơ thể nam giới bị tăng kích cỡ ngày càng lớn so với mức ban đầu ở người trưởng thành. Bệnh thường xảy ra với nam giới độ tuổi trung niên và cao tuổi. Bình thường, tiền liệt tuyến là một tuyến nhỏ kích thước khoảng 10-20 g, nằm sát dưới cổ bàng quang, bọc quanh đoạn niệu đạo nối với cổ bàng quang. Khi tuyến này bị phì đại, nó sẽ làm hẹp và tắc lòng niệu đạo, gây ra những biểu hiện bất thường về tiểu tiện. Nếu để muộn sẽ ảnh hưởng xấu đến bàng quang và thận, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Khả năng mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến tăng lên theo độ tuổi. Thông thường triệu chứng rõ rệt của bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện sau tuổi 50. Mặc dù vậy, mầm mống của tình trạng phì đại có thể bắt đầu xuất hiện ở mô tuyến tiền liệt từ khoảng tuổi 30, vì vậy đôi khi sẽ bắt gặp bệnh ở một số người trẻ.
Nguyên nhân gây phì đại tiền liệt tuyến là gì?
-Do tuổi tác: Càng về già chức năng sinh dục của người đàn ông càng trở nên giảm sút dần. Điều này tạo ra sự mất cân bằng về hormone sinh dục. Để đối phó lại tình trạng đó, tuyến tiền liệt sẽ phải chuyển hóa số lượng testosterone nhiều hơn và gây ra hiện tượng tăng sinh tiền liệt tuyến hay còn gọi là phì đại tiền liệt tuyến.
-Do sự tích tụ của estrogen: Khi cơ thể bị lão hóa, estrogen sẽ bị tích tụ nhiều dẫn đến tình trạng phì đại tiền liệt tuyến.
-Do cơ thể thiếu hụt các acid béo, kẽm và acid amin.
Dấu hiệu nhận biết phì đại tiền liệt tuyến
Các dấu hiệu của bệnh này thường khó nhận biết do diễn tiến chậm. Do đó, khi phát hiện bệnh, nhiều trường hợp khối u đã quá to và gây biến chứng khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Các biểu hiện thường thấy bao gồm:
-Khó khăn khi đi tiểu: Người bệnh phải cố rặn khi đi tiểu, tia nước yếu. Đôi khi đã tiểu tiện xong nhưng vẫn còn vài giọt rỉ ra lắt rắt. Nặng hơn là tình trạng thường xuyên rò rỉ nước tiểu.
-Tiểu nhiều lần: Thường diễn ra về đêm, khiến người bệnh phải tỉnh dậy đi tiểu hơn 2 lần mỗi đêm, gây gián đoạn và mất chất lượng giấc ngủ. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh tiểu nhiều lần trong cả ngày, liên tục cách 2-3 giờ một lần.
-Bí tiểu: Đôi khi phải đến bệnh viện cấp cứu do bí tiểu đột ngột, bệnh nhân đã cố gắng rặn mà không thể tiểu được. Phần bụng dưới thường xuyên căng lên gây đau tức, vật vã khó chịu.
-Tiểu sót, lẫn máu: Sau khi đi tiểu xong vẫn còn cảm giác mót tiểu, đôi khi có thể có dấu hiệu nước tiểu lẫn máu, hoặc nhiễm trùng nước tiểu.
Chẩn đoán phì đại tiền liệt tuyến
-Hỏi bệnh và thăm bệnh bằng tay: Qua các biện pháp này, về cơ bản bác sĩ có thể xác định bệnh nhân đã bị phì đại tiền liệt tuyến hay chưa.
-Để kết luận bệnh chính xác, với mức độ nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm siêu âm và một vài xét nghiệm khác.
-Xét nghiệm PSA, sinh thiết giúp phát hiện ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn sớm. Phát hiện bệnh sớm giúp cho việc điều trị đơn giản, kết quả cao, thậm chí hoàn toàn có thể ngăn chặn được bệnh ung thư. Việc chẩn đoán phát hiện ung thư rất quan trọng bởi triệu chứng của ung thư và phì đại tiền liệt tuyến ở giai đoạn đầu có nhiều điểm tương đồng.
The post Phì đại tiền liệt tuyến là gì? appeared first on Khoa Ngoại Thu Cúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét